Monday, December 14, 2009

Những thức ăn - vị thuốc

Những thức ăn - vị thuốc trong dinh dưỡng hiện đại

Khi bị cảm, có thể ăn canh gà giải cảm; nếu bị say sóng hay say tàu xe, chỉ cần nhai lát gừng là đỡ hẳn... Đôi khi, những kinh nghiệm và mẹo vặt trong văn hóa ẩm thực cũng có tác dụng chữa bệnh.

Một số loại thức ăn chữa bệnh "tân thời":
1. Canh gà
Năm 1993, bác sĩ Stephen Rennard đã nghiên cứu tác dụng của món canh gà trên quy mô nhỏ ở phòng thí nghiệm. Mãi 7 năm sau, kết quả nghiên cứu của ông mới được đăng tải trên báo Chest (của Viện các bác sĩ chuyên về bệnh lồng ngực Mỹ). Theo Rennard, canh gà (chicken soup), dù được nấu ở nhà hay đóng hộp sẵn ở siêu thị, đều có tác dụng ức chế hoặc giảm tính di động của bạch cầu trung tính (có chức năng bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng). Canh gà còn có tác dụng cải thiện khả năng bù nước và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, đem lại cho người ăn sự thoải mái về tâm lý và thể chất khi đang bệnh.
2. Nước cam vắt và chuối
Theo chuyên viên tiết thực Melinda Hemmelgarn thuộc Trung tâm Truyền thông Dinh dưỡng Đại học Missouri (Mỹ), nước cam vắt cung cấp cả kali và canxi nên có tác dụng hạ huyết áp. Nếu là sản phẩm công nghiệp, nên chọn loại nước cam vắt có tăng cường canxi. Chuối cũng đem lại rất nhiều kali. Vì vậy những ai có huyết áp hơi cao nên ăn mỗi ngày 1 quả cam hoặc chuối.
3. Nho đỏ (hay tím sẫm)
Có tác dụng bổ tim và sát trùng đường tiểu. Việc uống 1 ly nước ép nho đỏ hay tím sẫm nguyên chất mỗi ngày sẽ rất tốt cho chức năng tim. Nước ép nho đỏ vừa ảnh hưởng trực tiếp lên phản ứng đông máu vừa làm tăng nồng độ các chất kháng oxy hóa và làm giảm các gốc tự do trong hệ tim mạch. So với nước ép bưởi, cam, cà chua và táo, nước ép nho đỏ có hoạt tính kháng oxy hóa mạnh gấp 3 lần.
4. Nước ép quả nam việt quất (Cranberry juice)
Giúp sát trùng đường tiểu. Dùng một ly nước ép quả nam việt quất hay 30 g trái khô mỗi ngày sẽ giúp thanh toán các chứng này. Các hoạt chất trong quả nam việt quất có tác dụng ngăn cản vi khuẩn xâm phạm lớp niêm mạc lót hệ thống ống dẫn đường tiểu.
5. Những loại quả có màu tím và mọng
Việt quất (Blueberries) có màu tím như sim, tốt cho những ai bị nổi gân (tĩnh mạch) xanh dưới da. Theo bác sĩ Luis Navarro, Giám đốc Trung tâm Trị liệu Tĩnh mạch ở New York, việt quất tốt cho hệ tuần hoàn vì chứa các chất flavonoid. Đó là những hoạt chất giúp cho thành tĩnh mạch thêm vững chắc và các mao quản bớt rạn nứt. Các sắc tố có tên proanthocyanidin và anthocyanidin (đem lại màu xanh tím đặc trưng cho các loại trái này) giúp tăng cường tính bền chắc cho hệ thống mạch máu.
Đối với người già, các nhà khoa học khuyên ăn nhiều rau xanh để tránh thoái hoá điểm vàng (nguyên nhân gây mù loà không thể hồi phục). Lutein (hoạt chất chủ yếu trong các loại rau lá xanh đậm) rất có lợi cho mắt vì có tác dụng như một màng lọc ánh sáng, giúp mắt không bị các tia nắng làm tổn thương. Nó cũng có tính kháng oxy hóa, tránh cho mắt khỏi các tổn thương do quá trình lão hóa. Cơ thể không có khả năng sản xuất lutein nên con người phải ăn nhiều thực phẩm giàu chất này hoặc bổ sung bằng thuốc.
Còn những người hay bị đau nửa đầu nên tránh các sản phẩm từ sữa, chocolate, trứng, các loại quả có múi, tép, thịt, lúa mì, các quả hạch, lạc, cà chua, hành tây, bắp, táo và chuối. Theo bác sĩ Neal Barnard (tác giả cuốn Thức ăn chống đau), với chứng đau nửa đầu, có khi chính những thức ăn được xem là "thủ phạm" gây đau kể trên lại làm bệnh nhân bớt nhức đầu. Chẳng hạn, chất caffeine có thể khiến một số người nhức đầu khi uống vào, nhưng một số người khác đang nhức đầu nếu uống vào sẽ bớt hẳn. Các thức ăn giàu tinh bột như bánh mì nướng, bánh quy và khoai tây cũng có thể làm giảm nhức đầu hay buồn nôn, thậm chí rút ngắn hẳn cơn đau nửa đầu.
BS Nguyễn Lân Đính, Sức Khoẻ & Đời Sống

No comments:

Post a Comment